“Anh tin vào nụ cười của em, dù cho em không có linh hồn đi nữa.”
Beatless là một anime kể về thế giới hiện đại trong tương lai, khi mà Trí tuệ nhân tạo đã phát triển tới mức có thể trở thành bản sao của con người. Đề tài này tuy có thể coi là rập khuôn, nhưng nếu biết khéo léo lồng ghép những chi tiết khoa học thực tiễn xen kẽ chi tiết viễn tưởng, thì sẽ không khó để một bộ phim thể loại sci-fi như Beatless gây ấn tượng cho khán giả.
Tiếc thay, nguyên liệu ngon nhưng chế biến tệ, Beatless đã làm lãng phí đề tài tiềm năng của mình chỉ vì cách xử lý cốt truyện quá vụng về và đứt quãng.
Thông tin chung
Beatless
Thể loại: Action, Romance, Drama, Sci-Fi
Studio: Diomedea
Đạo diễn: Seiji Mizushima
Phụ trách series: Go Zappa, Tatsuya Takahashi
Original creator: Satoshi Hase
Thời lượng: 24 tập (1/2018 – 7/2018)
Tóm tắt nội dung
Trong tương lai, khi con người đã có trong tay tri thức chuyên sâu về tiềm thức con người và máy móc, họ đã sáng chế ra được Trí tuệ nhân tạo (AI) thông minh bằng con người, và gọi những người máy nhân tạo đó là HiE. HiE đã nhanh chóng trở thành một phần trong cuộc sống con người, nhưng đồng thời cũng khiến suy nghĩ của người dân bị chia thành hai phía: một bên ủng hộ HiE, và một bên chống đối HiE.
Arato Endo là một học sinh 17 tuổi bình thường và ủng hộ HiE. Tình cờ một ngày nọ, cậu bị tấn công ở bãi xe một cách bí ẩn và được giải cứu bởi Lacia, một HiE không có chủ. Lacia hỏi: Cậu có thể làm chủ nhân của tôi không?
Nhân vật
-
Arato Endo
Khác với số đông bạn học cùng lớp của mình, Arato xem HiE như một con người. Arato khá kín tiếng và nhút nhát, nhưng lại rất quan tâm tới bạn bè và gia đình, sẵn sàng vì họ mà làm mọi thứ vượt ngoài hành động bình thường của cậu. Sau khi được Lacia cứu và trở thành chủ nhân của cô, Arato bắt đầu thay đổi.
-
Lacia
Lacia là HiE nằm trong một series robot đặc biệt gọi là “Red Box”, cô chạy trốn khỏi phòng thí nghiệm Tokyo của Memeframe Corporation. Không rõ mục đích của cô là gì và vì sao cô lại có mặt kịp thời để cứu Arato, nhưng cô đã đồng ý lập hợp đồng và cho Arato làm chủ nhân của mình. Vũ khí của cô là một hộp tráp đen để chặn đạn.
Đánh giá:
-
Về Nội dung
Chúng ta có gì đây?
Một mở đầu không gì rập khuôn hơn bằng cảnh nhân vật nam chính Arato ngồi trong lớp suy nghĩ vẩn vơ, giới thiệu đôi chút về thế giới quan, xong rồi nhảy tới cuộc gặp gỡ định mệnh của nam chính ngây thơ và nữ chính xinh đẹp, và tất nhiên không thể thiếu chút fanservice khi cho hai nhân vật hành động như đang kết hôn với nhau để giúp người xem vơi đi nỗi buồn FA.
Woa, thật sáng tạo, thật hợp với bối cảnh tương lai năm 20XX của bộ phim. Qua hai tập đầu, mình không còn từ nào khác để mô tả anime ngoài từ: nhàm chán. Chủ đề AI tuy không còn xa lạ gì với người xem anime, ngay cả mình cũng có thể dễ dàng đếm ra 10 bộ mang chủ đề này với nhiều thể loại khác nhau; nhưng vẫn được khai thác rất hạn chế về mặt nội dung. Anime chủ đề AI luôn khai thác về khía cạnh “Liệu robot có thể đạt được cảm xúc như con người?”, và Beatless cũng không ngoại lệ khi câu tựa của phim chính là “Anh tin vào nụ cười của em, dù cho em không có linh hồn đi nữa.” Chính điều này đã khiến mình ngán ngẩm thở dài, chứ không phải vì nghĩ Beatless là một bộ battle-girl nhạt nhẽo, thứ đã trở thành truyền thống của mỗi mùa anime.
Tuy ấn tượng đầu tiên khá tiêu cực, không thể phủ nhận nhà sản xuất cũng đã có cố gắng khai thác những khía cạnh khác của một thế giới tương lai. Những cụm từ không quen thuộc dần được đưa vào bộ phim, chẳng hạn như analog-hack, cloud computing (điện toán đám mây), antibodies – thuật ngữ sử dụng trong ngành công nghệ máy tính. Beatless không đắp những thuật ngữ đó một cách ơ hờ để tạo cảm giác thượng đẳng, mà lợi dụng chúng một cách tinh tế để mô tả khả năng của một HiE trong thế giới này, hay đúng hơn là nữ chính Lacia. Việc AI tải trực tiếp phần mềm từ internet đã được sử dụng trong phim Ghost in the Shell, nhưng đây là lần đầu khi khái niệm cloud service được sử dụng, nên khiến cho bộ phim càng nhấn mạnh hương vị hiện đại của tương lai hơn nữa. Beatless đã biết áp dụng điện toán đám mây làm lý do cho sự hoàn hảo của Lacia, khiến cho khán giả không trở nên khó chịu khi được thấy một Mary-sue không tì vết (nhân vật nữ hoàn hảo quá mức). Đây có thể được coi là một quyết định thông minh của tác giả.
Chủ đề quan trọng nhất của Beatless chính là nguồn gốc của cảm xúc, nhưng bên cạnh đó còn một chủ đề khác để thúc đẩy diễn biến phim, chính là về sự tẩy não mà công nghệ có thể gây ra. Beatless không chỉ về xung đột giữa các HiE thuộc dòng Red Box, mà còn nói về một xung đột lớn hơn giữa hai bên Phản đối HiE và Ủng hộ HiE. Nói cách khác, những lý do khác nhau thúc đẩy các HiE chiến đấu trong phim ít hay nhiều đều bắt nguồn từ câu hỏi: Liệu AI sẽ thống trị con người hay không? Trong khi bên Phản đối Antibodies xây dựng lực lượng quân đội để chống phá những nhà chức trách sử dụng HiE, thì bên ủng hộ đều là những con người bình thường sử dụng HiE vì lợi ích nên không hề có hành động nào. HiE dù có mang hình dáng người, thì họ vẫn bị coi là đồ vật trong thế giới này. Dù là phe Phản đối hay Ủng hộ, thì HiE vẫn chỉ là đồ vật để kẻ hận, người dùng. Điều này dấy lên trong người xem suy nghĩ, vậy thì xung đột này có phải là rất vô nghĩa không nếu suy nghĩ của hai bên không hề khác nhau, đều không coi trọng HiE? HiE trở thành nguyên nhân kiểm soát xung đột giữa người và người chứ không còn là con người kiểm soát chúng nữa. Vì nỗi sợ HiE sẽ kiểm soát con người, vì ham muốn HiE trở thành phương tiện hữu ích cho bản thân, con người tàn sát lẫn nhau. Con người đang bị công nghệ kiểm soát một cách vô thức.
Chỉ hai chủ đề trên thôi cũng đủ khiến cho Beatless có tiềm năng trở nên nổi bật trong số hàng chục anime cùng chủ đề khác, thế nhưng sự vụng về trong khâu đạo diễn và xử lý cốt truyện đã khiến Beatless trở thành một món ăn nhạt nhẽo và vô vị. Các chi tiết trong phim thường xuyên bị đứt quãng. Để tiết kiệm thời lượng, những cảnh phim riêng biệt không được kết nối với nhau bằng những chi tiết chuyển cảnh hợp lý mà liên tục “nhảy”. Một giây trước chúng ta còn đang đuổi theo Arato để tìm Lacia, một giây sau chúng ta lại ở nhà Ryou (bạn của Arato) để nghe cậu giải thích bối cảnh phim. Sự không liền mạch này xảy ra không chỉ một, mà xuyên suốt nhiều tập phim, khiến người xem cảm thấy chóng mặt và không tập trung nổi vào tâm lý hay cảm xúc nhân vật. Vài tập phim không hiểu sao còn áp dụng nghệ thuật kể trước (trong khi các tập trước lại không hề dùng), cho một chi tiết đáng lẽ phải cuối tập lên đầu tập để tạo cảm giác hồi hộp. Sự không nhất quán trong khâu đạo diễn đã khiến cho diễn biến phim đã nhanh lại càng lộn xộn thêm. Ngoài ra, vì thời lượng không đủ nên phim đã cắt khá nhiều những cảnh foreshadow quan trọng của tiểu thuyết (giấc mơ của Arato), khiến cho phim có mở đầu khá nhạt nhẽo và nhân vật trở nên một chiều.
Đánh giá: 6/10
(Còn tiếp)