Thông tin chung:
- Tên phim: Byakuyakou 2011 (Tựa Anh: Into the White Night, Tựa Việt: Bạch dạ hành)
- Đạo diễn: Yoshihiro Fukagawa
- Nguyên tác: Higashino Keigo
- Biên kịch: Yoshihiro Fukagawa, Shingo Irie
- Nhà sản xuất: Hiroyuki Ishigaki
- Quay phim: Hirokazu Ishii
- Thời gian công chiếu: 29/1/2011
- Thời lượng: 149 phút
Nội dung chính:
Một vụ án mạng xảy ra và người chết là ông chủ một tiệm cầm đồ, toàn bộ số tiền trong túi ông ta đều bị lấy mất. Phía cảnh sát nhanh chóng tìm được nghi phạm là một người phụ nữ bị tình nghi là tình nhân của ông ta. Song vụ án nhanh chóng đi vào ngõ cụt khi cảnh sát không tìm được bằng chứng kết tội, và chính thức trở thành án treo khi nghi can bị chết trong một vụ trúng độc khí gas tại nhà.
Tuy nhiên, câu chuyện không dừng lại ở đó, vụ án có thể trở thành án treo song với con trai của nạn nhân và con gái của nghi can thì cuộc đời chúng bây giờ mới bắt đầu. Đồng thời, vẫn có một người cảnh sát theo đuổi vụ án ấy trong gần 20 năm cho tới khi chạm được đến gần với sự thật.
Giới thiệu nhân vật:
Yukiho Karasawa (Diễn viên: Maki Horikita)
Con gái của nghi can. Sau cái chết của mẹ, Yukiho được nhận nuôi và chịu sự giáo dục hết sức nề nếp của gia đình đó. Yukiho lớn lên, xinh đẹp, rạng rỡ như ánh mặt trời và là tâm điểm của mọi chú ý. Nhưng liệu Yukiho có thật sự là con người như cô ta biểu hiện ra bên ngoài?
Ryouji Kirihara (Diễn viên: Kengo Kora)
Con trai của nạn nhân. Khác với Yukiho, Ryouji luôn trầm lặng sống ẩn mình trong bóng tối.
Junjo Sasagaki (Diễn viên: Eichiro Funakoshi)
Vị thanh tra đã theo đuổi vụ án suốt 20 năm.
Nhận xét chung:
Được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết quá đỗi nổi danh: Bạch dạ hành của một trong những tác giả trinh thám ăn khách nhất Nhật Bản hiện nay: Higashino Keigo; chưa kể trước đó đã có những bản chuyển thể thành công trên nhiều khía cạnh từ phía Nhật Bản lẫn Hàn Quốc; có thể nói đây vừa là lợi thế, cũng là thử thác, áp lực không cho nhỏ cho live action Bạch dạ hành bản movie của Nhật được công chiếu vào 2011.
(Tác phẩm Bạch dạ hành xuất bản ở Việt Nam)
Tại sao lại nói là lợi thế? Bởi một tác phẩm có nhiều tình tiết, chồng chéo liên tiếp những câu chuyện như Bạch dạ hành sẽ là một đề tài chưa bao giờ cũ cho nhà làm phim khai thác mọi khía cạnh. Mà chỉ cần xoáy sâu vào một khía cạnh cũng có thể khiến bộ phim trở thành siêu phẩm: từ việc ấu dâm, xâm hại tình dục trẻ em đến những vết nhơ, ám ảnh trong quá khứ hay làm theo hướng đúng chuẩn một bộ phim trinh thám: con đường kiên trì theo đuổi một vụ án suốt 20 năm của người cảnh sát già… Ngoài ra, với việc Bạch dạ hành được hai quốc gia chuyển thể thành hai phiên bản khác nhau, một vào năm 2006, một vào năm 2009 thì live action Bạch dạ hành bản movie năm 2011 hoàn toàn có điều kiện để tránh được những vết xe đổ mà hai phiên bản cũ đã trải qua để tạo nên một tác phẩm hoàn thiện. Chưa kể, nguyên tác là tiểu thuyết do một nhà văn Nhật Bản sáng tác về đời sống, con người, xã hội Nhật Bản thì có lẽ, để cho diễn viên và đạo diễn trong nước làm sẽ thuận tiện hơn trong việc thấu hiểu tâm lý cùng thể hiện tâm lý nhân vật trên màn ảnh.
(Bạch dạ hành bản drama của Nhật Bản)
(Bạch dạ hành bản movie của Hàn Quốc)
Nhưng đây cũng là áp lực không nhỏ với ekip bộ phim. Cũng bởi chính từ Bạch dạ hành là một tác phẩm đã quá nổi danh, bản drama chuyển thể với dàn diễn viên giàu thực lực đã đạt được thành công nhất định nên sự so sánh movie với nguyên tác, movie với drama là không tránh khỏi. Không chỉ vậy giới hạn thời gian của movie so với drama cũng tạo nên hạn chế không nhỏ cho việc truyền tải nội dung, tình tiết.
Tuy nhiên, với 149 phút của Bạch dạ hành bản movie 2011, đạo diễn Yoshihiro Fukagawa cùng biên kịch Shingo Irie và toàn thể dàn diễn viên đã cố gắng mang đến cho người xem một Bạch dạ hành chuyển thể toàn vẹn nhất song cũng mang được dấu ấn cá nhân bên cạnh nguyên tác hay những tác phẩm chuyển thể trước đó. Từ cách gợi vấn đề: vụ án mạng của người chủ tiệm cầm đồ và cuộc điều tra của cảnh sát cùng ấn tượng đầu tiên của thanh tra Sasagaki về hai đứa trẻ: Yukiho – Ryoji sau hai cái chết liên tiếp. Đến cách kể chuyện theo điểm nhìn từng nhân vật trong phim qua bước chạy thời gian từ nhỏ tới lớn của hai đứa trẻ. Mà ở đó, người xem có thể dễ dàng thấy được, đạo diễn đã cố gắng như thế nào trong việc đưa thành tích “huy hoàng” của Yukiho lẫn cuộc sống đầy bóng tối của Ryoji một cách trung thực, trọng nguyên tác nhất đến gần hơn với khán giả qua ngôn ngữ điện ảnh. Đồng thời, sự đan xen giữa hiện tại, quá khứ trong những bước nhảy hồi tưởng của Yukiho lẫn Ryoji hay thanh tra Sasagaki dễ khiến ta phải thốt lên: đây thực sự là lợi thế của điện ảnh trong chuyển tải ngôn ngữ văn bản thành ngôn ngữ hình ảnh.
Đồng thời, có thể nói, để sánh với độ kinh điển của nguyên tác Bạch dạ hành và sự thành công của bản drama trước đấy, movie chuyển thể Bạch dạ hành 2011 đã quy tụ được một dàn diễn viên nổi danh, thực lực không thua kém bản drama với sự tham gia của Mari Horikita trong vai Yukiho hay Kengo Kora trong vai Ryoji. Có lẽ thật sự khó để khắc họa hoàn hảo nhất một Yukiho tôm pháo hai mặt, một Ryoji cá bống trắng luôn trầm lắng bước đi trong đêm tối nhưng Mari Hokirita và Kengo Kora đã phần nào hoàn thành một cách tròn vai diễn nặng kí của mình.
Như đã nói, là tác phẩm chuyển thể nên có những điều, Bạch dạ hành bản movie có thể chuyển tải được mà ngôn ngữ văn chương rất khó để diễn tả. Vì thế, trong movie Bạch dạ hành, ta thấy được nhiều phân cảnh được tạo dựng lên từ những cú dựng song song giữa một bên là hiện tại, một bên là quá khứ. Hay chính nước màu xám đục của phim thực rất hợp với cái tiêu đề, cũng là hình ảnh, không trở đi trở lại song lại sức ám ảnh nhất nguyên tác: hình ảnh về một đêm trắng bao trùm mãi mãi hai đứa trẻ. Và bài hát chủ đề Yasoukyoku như một dấu chấm đầy trọn vẹn cho những đau thương lẫn ám ảnh của Bạch dạ hành, từ nguyên tác đến movie.
(Yasoukyoku – Tamaki)
Tạm kết:
Chuyển thể từ một tiểu thuyết nổi danh mà trước đó đã có hai bản chuyển thể khác thành công về nhiều mặt, movie Bạch dạ hành 2011 đã mang đến cho người yêu điện ảnh và cả fan của Keigo-sensei một trải nghiệm mới trong vòng 149 phút. Trải nghiệm mà chỉ có bộ phim điện ảnh chuyển thể từ tác phẩm tiểu thuyết của một nhà văn Nhật Bản do chính người Nhật làm ra.
Mọt