THÔNG TIN CHUNG
- Tên tác phẩm: Người tình Sputnik (Sputnik no Koibito)
- Tác giả: Haruki Murakami
- Dịch giả: Ngân Xuyên
- Được xuất bản vào tháng 4 năm 1999 tại Nhật bởi Kodansha. Năm 2008, tiểu thuyết được phát hành có bản quyền tại Việt Nam bởi Nhã Nam và nhà xuất bản liên kết là Hội Nhà Văn. Bản dịch tiếng Việt được thực hiện bởi Ngân Xuyên dựa trên bản tiếng Anh năm 2001 của Philip Gabriel
GIỚI THIỆU NHÂN VẬT
Sumire: bỏ học đại học để theo đuổi ước mơ để làm nhà văn, cô là một người trung thành tuyệt đối với văn chương. Rào cản duy nhất để viết nên một tác phẩm để đời đối với cô nàng lãng mạn đến vô phương cứu chữa, tính tình có phần cổ hủ này là Sumire chưa từng yêu.
Miu: người phụ nữ Sumire yêu. Miu là người gốc Hàn Quốc và đã có gia đình.
Tôi: người kể chuyện, nhân vật này cũng là bạn của Sumire và yêu đơn phương cô.
Để mà nói, tuy rằng Murakami được xếp vào hàng những tác giả xứ Phù Tang tinh tế bậc nhất ở Việt Nam nhờ vào tác phẩm “Rừng Na-Uy” bất hủ, cuốn sách gối đầu giường của bao thế hệ, thì ông cũng không phải là nhà văn yêu thích của tôi. Nhận định này phần lớn ảnh hưởng bởi quan điểm về phụ nữ của ông và vì cái cách những người hâm mộ của Murakami vẫn luôn ra rả về việc ông không đạt Nobel văn học vì chất “nhục cảm” quá đậm đặc mà hài hước thay, nếu có đọc những tác phẩm Nobel văn học thì bạn sẽ thấy những câu truyện đó còn táo bạo hơn nhiều.
Tất nhiên, không phải vì thế mà tôi sẽ có những thiên kiến về truyện của Murakami. Tôi vẫn có thể bình phẩm về truyện của Murakami với tư cách của một độc giả công tâm, nhưng không thể nói rằng mình viết tốt hơn ông. Đối với tôi, Haruki Murakami là một người kể chuyện hay và tôi thích cách ông viết về nỗi cô độc. Tác phẩm của nhà văn có văn phong trau chuốt, cốt truyện cấu tứ khéo léo, đan xen khéo léo giữa hiện thực và kì ảo, mang phong vị Nhật Bản vừa đủ trong bầu không khí kiểu Âu Mĩ và có sự đồng cảm với cuộc sống thành thị của những người độc thân trẻ tuổi. Nhiều người nói rằng bạn cần phải từng trải để có thể hiểu được nội dung sách của Murakami, tôi không phản đối nhưng cũng mạn phép đưa ra ý kiến rằng những tác phẩm của ông không thể lý giải bằng thứ lý thuyết chính xác tuyệt đối 1+1=2 mà phải cảm nhận bằng nhân sinh quan và nỗi trống rỗng sâu thẳm trong mỗi người. Nếu bạn là một fan hâm mộ của ông thì có thể tìm đọc những bản dịch tiếng anh để thấu hiểu ý nghĩa của các tác phẩm hơn vì tác giả vẫn hay làm việc trực tiếp với những dịch giả bản anh, nên sẽ đưa ra được một sản phẩm trọn vẹn nhất.
“Người tình Sputnik” là một tác phẩm “đẹp”, cả về ngữ nghĩa lẫn phần hình ảnh minh họa. Đó cũng là một trong những lý do cuốn hút và đưa đẩy tôi đến với tác phẩm này.
Có lẽ vì kỳ vọng quá nhiều vào tác phẩm cứ 7 người Nhật thì có 1 người đọc, Rừng Na-Uy, của ông nên tôi đã có chút hụt hẫng với Murakami (quan điểm quá khác biệt thì sẽ thế đấy). Cũng chính vì lý do đó nên tôi cũng không nâng cao mong đợi với Người tình Sputnik quá, ấy thế mà tôi lại bị bất ngờ. Bất ngờ khi Sumire, nhân vật mà Tôi trong tác phẩm yêu đến cay đắng lại là đồng tính nữa. Sumire là một hình mẫu con gái cá tính, là con sư tử bạc lạc loài đơn độc và bế tắc giữa đồng loại và thế giới. Cô từ bỏ mọi thứ để được làm chính mình, để được là một bản thể đầy đủ và sống động nhất của chính mình. Thế nhưng sau khi bị Miu – người đã khơi dậy những khát khao trong cô từ chối thì cô lại phải chống chọi với những cú sốc về tình yêu, tình dục.
Vượt lên trên tất cả là câu hỏi tôi là ai và điều đó có quan trọng? Đó có lẽ là câu hỏi của thế kỷ luôn khắc sâu trong tâm trí của mỗi chúng ta. Câu hỏi đó và nỗi thắc mắc miên man, khắc khoải về sự cô đơn của loài người. Dù là tiểu thuyết hay sách mỏng, đồ sộ hay khiêm tốn và được viết ra ở thời kỳ nào thì truyện của Murakami cũng có một dấu ấn đặc việt đấy là sự cô quạnh của những con người dù đứng giữa đám đông, trong cơn yêu hay mất tích ở một nơi vô định nào đó. Giống như vệ tinh Sputnik lẻ loi ngoài vũ trụ, Sumire, Miu và Tôi được gắn kết bằng một sợi chỉ mỏng manh nhưng không cách nào lại gần nhau được.
Yêu nhau đến vậy tại sao vẫn không hiểu nhau?
Yêu nhau đến vậy nhưng sao vẫn làm đau nhau?
“Sự hiểu biết chẳng là gì ngoài tổng số những sự hiểu lầm của chúng ta” trích lời Sumire.
Như tôi đã nói ở trên, truyện của Murakami không phải là những tác phẩm đơn giản. Khi đọc bạn sẽ bị bủa vây bởi những câu hỏi dạng như dù không biết tại sao nhưng mình thấy truyện nặng nề và tiêu cực quá, những chi tiết trong truyện là vô nghĩa hay đều có dụng ý? Hành trình tìm kiếm chính mình và lạc lối giữa cuộc đời bình thường của bản thân được khắc họa theo phong cách siêu thực là rào cản ngăn cách một lượng lớn độc giả đến với tác phẩm của ông. Ở trong đó các nhân vật ngụp lặn, dưới lớp vỏ một cuộc đời như bao người khác lại mang nặng những day dứt khó có thể diễn tả bằng vài câu nói.
“Siết chặt trái tim bạn ngay từ những dòng đầu tiên” – Los Angeles Magazine viết về Người tình Sputnik như vậy đấy. Là một tác phẩm được coi là “nhẹ nhàng nhất” so với những Kafka bên bờ biển, 1Q84… bằng văn phong xót xa, mãnh liệt, câu truyện đã như khiến tôi rơi vào một xoáy nước kỳ ảo không lối thoát.
“Mùa xuân năm hai mươi hai tuổi, Sumire yêu lần đầu tiên trong đời. Một tình yêu mãnh liệt, một cơn lốc xoáy thực sự quét qua các bình nguyên – san phẳng tất cả những gì nó gặp trên đường, tung mọi thứ lên trời, xé chúng ra từng mảnh, nghiền nát thành từng miếng. Cơn lốc không hề giảm cường độ khi băng qua đại dương, biến Angkor Wat thành đồng hoang tàn, thiêu cháy rừng già Ấn Độ với hổ báo và muôn loài, rồi biến thành cơn bão cát sa mạc vùng vịnh Ba Tư, chôn vùi cả một thành phố pháo đài kỳ lạ dưới biển cát. Tóm lại, đó là một tình yêu thực sự vĩ đại. Người Sumire đem lòng si mê hoá ra lớn hơn cô mười bảy tuổi. Đã có gia đình. Và, phải nói thêm, là phụ nữ. Đây là nơi tất cả bắt đầu, và là nơi tất cả kết thúc. Gần như tất cả.”
trích Người tình Sputnik.
Chính những dòng chữ bí ẩn và lãng mạn mở đầu câu truyện đó đã khơi lên dự cảm đau buồn về một thứ tình yêu không được đền đáp. Tuy những nhân vật nữ vốn không được khắc họa nội tâm quá sâu sắc trong dòng văn học chính thống nhưng những Miu và Sumire trong tác phẩm lại rất đặc biệt. Tuy vậy, đứng trước tình yêu, họ vẫn chỉ là những con người bình thường, bối rối với những khát khao được yêu, được gần gũi, được chạm vào nhau cả về thể xác lẫn tinh thần. Một cô nàng lập dị như Sumire lại dần dần thay đổi. Từ một người chẳng thể hiểu nỗi dục vọng là gì lại muốn hòa vào làm một với người phụ nữ cô trót đem lòng yêu thương. Ở một mặt khác, Miu với hình ảnh một người phụ nữ hoàn hảo như một viên ngọc không tỳ vết lại mang trong mình những uẩn ức tình dục và số phận như một lớp gai hoa hồng, làm tổn thương những người muốn đến bên cô.
Vậy tình yêu là gì mà luôn khiến con người khổ đau?
Chẳng ai có thể đưa ra câu trả lời chính xác cho thắc mắc này. Mỗi người, tùy theo nhu cầu và những tình nhân đã đi qua đời họ sẽ có những đáp án khác nhau. Nhưng như một điều hiển nhiên, có lẽ ai cũng nhận thức được rằng chúng ta không thể trông đợi vào việc nhận lại mà không thể cho đi. Bất kỳ ai khi đã thực sự yêu đều bị cảm xúc điều khiển và việc yêu thương người khác cũng chính là mở đường cho họ thấy những yếu điểm của mình. Đó cũng là một trong những ẩn ý Murakami muốn gửi gắm trong tác phẩm này.
KẾT
Tình yêu trong tác phẩm đại diện cho một cái nhìn toàn diện và trưởng thành về tình yêu cũng như những trăn trở trong đó. Tình cảm của Sumire và Miu mãnh liệt nhưng cũng leo lắt như ngọn nến trước gió, dễ bốc cháy dễ lụi tàn. Những phận người trong Người tình Sputnik gặp nhau, va đập rồi lại tách rời để lại sự tiếc nuối khôn nguôi cho người đọc. Có thể nói việc Sumire là đồng tính nữ là một nét tươi mới trong tác phẩm của Murakami, nhưng quả thực thì tôi không thấy sự khác biệt rõ rệt ở mối quan hệ giữa hai người nữ với tình yêu dị tính thông thường mà chỉ như một yếu tố câu khách. Vẫn những nhục cảm đó, khúc mắc chưa được giải quyết đó nhưng dù sao thì tôi vẫn có thể “giơ cao đánh khẽ” một chút cho Murakami vì ông vẫn đang nhìn phụ nữ bằng lăng kính của đàn ông. Và dù có ý thức được hay không thì sẽ luôn có một khoảng cách nhất định giữa đàn ông và đàn bà trong suy nghĩ cùng cách nhìn cuộc sống. Có lẽ vậy nên những người dị tính có phần khó yêu hơn và tình yêu đồng giới có thể dễ dàng thấu hiểu nhau hơn. Dẫu không phải một kiệt tác vang bóng trong sự nghiệp của mình nhưng Người tình Sputnik đã chinh phục được tôi. Còn bạn, cuốn sách ưa thích của bạn là gì?
Khói