Ra đời từ năm 2009, Puzzle đã trở thành hiện tượng trong làng Vocaloid lẫn dòng nhạc pop xuất nguồn từ Nhật. Ca khúc này được xem là bài hit nổi nhất của nhà sản xuất KuwagataP từng viết cho ca sĩ ảo Hatsune Miku. Nhiều năm trở về sau, ngay cả khi một thập kỉ đã trôi vèo qua, Puzzle vẫn được đông đảo thính giả yêu nhạc Nhật mến mộ. Hôm nay, trong tiết trời mưa ngâu rả rích, Takoyaki xin mạn phép được giới thiệu ca khúc từng làm mưa làm gió một thời này, trước là để chúng ta cùng thường thức, sau là dành chút thời gian suy ngẫm về những năm tháng đã đi qua trong một thoáng chớp mắt mỏi mòn.
Nếu ai từng chết mê chết mệt với Puzzle, từng đặt chế độ replay nghe mãi chẳng chán, ắt sẽ nhận ra phiên bản phía trên. Đó chẳng phải bản gốc của Puzzle, mà đã được remake theo phong cách pop – ballad với sự trình bày của nữ ca sĩ ENE. Phiên bản này hiện thịnh hành và nổi tiếng hơn so với bản gốc vocaloid, vì một lí do đơn giản: Puzzle là ca khúc thích hợp cho giọng người thật, bởi lẽ ca từ, giai điệu bài hát quá chân thực, quá sâu đậm, quá người. Cái nỗi đau êm dịu, trộn lẫn vào mớ kí ức miên man, chảy ra khỏi khoé mắt rồi rơi đọng nơi bờ môi nhạt nhoà, đó chẳng phải là một biểu cảm hết sức tuyệt vời, chẳng phải là điều mà người ta phải trải nghiệm, lắng lòng mới có thể lột tả hết sao!
“Kể từ lúc này, đôi ta sẽ buông tay
Những lời hứa cũng sẽ theo làn mây bay mất…”

Puzzle mở đầu với lời thú tội của một cô gái. Vào lúc ca từ đầu tiên vang lên, sự tan vỡ đã hiển hiện nguyên hình, rõ rành và chẳng thể cứu vãn. Dẫu chỉ là đôi ba dòng lời kể đơn sơ, nó đã mang trong mình một nỗi đau trọn vẹn. Cô gái không nói gì nhiều. Cô chỉ thú nhận bản thân từng chẳng biết, chẳng hiểu. Chuyện hai người như bức tranh hình xếp, mỗi mảnh ghép đều rất quan trọng, nhưng cô đã không thể nhìn thấy mà nắm bắt chúng. Mảnh ghép trong lòng mình, mảnh ghép từ nước mắt của người thương, cô để chúng tuột qua lòng bàn tay, rồi theo đó, bức tranh vỡ nát tự lúc nào. Đó là một điều hết sức đau khổ. Tình yêu tan vỡ chẳng phải do phản bội, chẳng phải do ngăn cấm, hay xa mặt cách lòng, mà là do sự thờ ơ của chính bản thân những kẻ đang yêu. Nó hệt như mất đi một viên ngọc quý nhưng không vì bị đánh cắp, mà do tự tay mình làm rơi.

Cô gái dường như đã chấp nhận được sự thật. Cô không còn oán trách, thở than. Trong một buổi chiều tình cờ, ngồi trong căn phòng trống, bất giác khung hình vỡ ùa về nơi tâm trí cô. Cô gái của Puzzle rất mạnh mẽ. Cô dám đối diện với quá khứ của bản thân, thừa nhận mình đã sai, và đồng ý kết cục. Dù thế, những mảnh ghép cũ kĩ ấy vẫn ghim vào trái tim cô gái, khiến cô ngân lên sự nuối tiếc đang luồn sâu tận đáy lòng. Cô mạnh mẽ, mà cũng cực kì yếu đuối, đa tình, bi ai, như bao nhiêu người con gái khác khi đã lỡ vướng phải chữ tình.

Sau lời một của ca khúc là đoạn solo piano và bổ trợ của dàn violon. Đây là phần rất đắt giá mà bản remake đã tuyển được. Đoạn nhạc này có thể ví như bài tóm tắt diễn biến cảm xúc của cô gái. Sự cô đơn khắc khoải, bước đi lặng lẽ mỗi buổi chiều đơn chiếc, hồi ức ngủ yên trong tim,… cứ lặp đi lặp lại mỗi ngày, mỗi ngày. Rồi cô lại nhớ, nỗi nhớ về như lũ, chẳng mời gọi, chẳng kiếm tìm, nhưng vẫn đập tung cánh cửa lòng cố đóng kín mà xông thẳng tới. Nó vượt qua cả ý thức, vượt qua cả lí trí, và kéo tất cả cảm xúc kìm nén ra ngoài. Chẳng có ai muốn gặm nhấm nỗi đau cả, nhưng dai dẳng thay, nỗi đau cứ gặm nhấm con người.
Cô gái đã không thể dằn lòng mà nói về cuộc tình ấy. Ta có thể nghe cô thét lên rằng trái tim mình đã biến dạng. Khi yêu, trái tim người ta không còn là đơn thể, mà ghép cặp với nửa kia, nên khi tách rời, nó sẽ chảy máu, sẽ đau đớn, sẽ để lại sẹo. Dẫu phải vượt lên và quên đi tất cả, đôi lúc ta chỉ biết lắng nghe những xúc cảm ấy mà chẳng thể làm gì hơn.

“Những mảnh ghép tình ta ngày ấy,
Em sẽ ôm trọn vào lòng mà để tất cả ngủ yên.”.
Đối diện, chấp nhận, tha thứ, cuối cùng Puzzle cũng cho ta một kết thúc mãn nguyện. Gương vỡ không thể lành, ta cũng chẳng thể để mảnh gương đâm sâu vô da thịt lần lượt từ mẩu này sang mẩu khác, và cũng chẳng thể vứt tất cả vào hư không. Nhưng ta có thể gói ghém chúng lại, nâng niu nhìn ngắm qua một cái vỏ, rồi khi mọi thứ sẵn sàng, nó sẽ tự tan chảy mà đúc thành một vết sẹo thuỷ tinh trong suốt đẹp tuyệt vời.
Puzzle có một điểm mạnh đáng nể về giai điệu, về sự hoà phối chuẩn xác ngữ âm ngữ cảnh. Giả như chúng ta lắng nghe bản phối khí riêng lẻ hoặc bản cover không lời, ta cũng sẽ hình dung được ít nhiều phần cảm xúc của bài hát. Ngữ nghĩa của ca từ phối với giai điệu âm nhạc của Puzzle cứ như hai mảnh ghép khít nhau hoàn hảo. Đặc biệt hơn, với chất giọng trong, ít khàn, có độ dày vừa đủ của ENE càng cộng hưởng, bộc lộ sự mỏng manh mà dẻo dai của cái thần bài hát. Cách ENE xử lí nhả chữ, điều chỉnh hơi theo đoạn, cũng như chọn điểm dốc sức làm người nghe phải rùng mình, không phải vì kĩ thuật hát, vì độ bền chắc, độ mãnh liệt, mà bởi cái chân ái của người truyền tải đã chạm đến người tiếp nhận mười phần đủ mười.

Bản phối khí của ENE phải nói là cực kì hợp lí. Một bản tung hứng nửa đầu của giọng ca và piano, sau đó nửa sau hoà âm cùng dàn violin như một đợt sóng mạnh mẽ tuôn trào. Sự ứng hợp về cường độ giữa giọng ca cùng nhạc cụ suốt quá trình thể hiện bài hát hết sức tự nhiên mà lại nhuần nhuyễn đáng kinh ngạc, từ cách dàn nhạc đổi không khí, ca sĩ nương theo và đẩy mạnh, rồi dàn nhạc giúp duy trì chặt chẽ phần nền đã được nâng cao, sau đó nhẹ nhàng rút lui và trả lại mọi thứ cho ca sĩ, kết thúc bài hát bằng âm luyến piano cực ngọt ngào, ấn tượng.
Không còn gì quá khó hiểu về lí do tại sao Puzzle lại là thành công lớn bậc nhất trong sự nghiệp của cả KuwagataP (apple 41) và của ENE. Puzzle tiến vào hall of fame của Vocaloid (danh sách những ca khúc vocaloid có tổng lượt xem trên 100.000 lượt tại NicoNico) và hiện vẫn còn được sử dụng tại một số tour lưu diễn của Hatsune Miku, cũng như đưa tên tuổi ENE đến nhiều thính giả quốc tế. Dù là bài ca với ý nghĩa khá buồn, Puzzle vẫn mang trong nó sự tươi đẹp của cảm xúc, cũng như sức mạnh tiềm tàng của mỗi trái tim vượt qua lỗi lầm, vượt qua tan vỡ để trưởng thành và đi tìm hạnh phúc đích thực.
MR